Logo CTY TNHH MỘT THÀNH VIÊN DỊCH VỤ CÔNG ÍCH QUẬN 4
Trang chủ >> Thông tin >> Tin tức & sự kiện >> Một ngày làm việc của Bác

Một ngày làm việc của Bác

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng ta hân hoan chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2019) với tấm lòng thành kính và biết ơn công lao to lớn của Bác - Bác đã đem lại sự hồi sinh cho dân tộc ta, đưa đất nước ta từ nô lệ, lầm than trở thành một đất nước tự do, độc lập, vững bước trên con đường: Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Điều mong muốn cuối cùng của Người là: “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh....”.
Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đồng chí Phạm Thị Hồng Yến – Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ, Phó Trưởng phòng Kế toán – Tài vụ, đảng viên Chi bộ 2 gương mẫu học tập Bác qua mẫu chuyện về Một ngày làm việc của Bác (theo lời kể của đồng chí Hoàng Hữu Khánh là Đại tá Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công An - người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ năm 1946 đến 1951, trích từ trang điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30/8/2013)
 
Câu chuyện được kể như sau:
Là người bảo vệ Bác tôi thấy Bác có thói quen làm việc rất đúng giờ. Bác chủ động đặt ra thời gian làm việc và thi hành nghiêm túc, không thay đổi giờ giấc sinh hoạt kể cả mùa Đông. Hàng ngày, Bác dậy từ 5 giờ, 5 giờ 15 phút Bác tập thể dục, 6 giờ ăn sáng. Sau đó, Bác bắt đầu làm việc. Vì vậy, người phục vụ Bác cũng rất dễ dàng.
Có một lần ở Việt Bắc Bác đang ốm, đúng 7 giờ sáng Bác nói:
- Các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ.
Tôi ngạc nhiên vì thấy Bác đang ốm không dậy được. Thế nhưng Bác nói bằng mọi cách Bác phải đi họp. Chúng tôi đành phải chuẩn bị cáng đưa Bác đi. Khi đi Bác dự tính sẽ đi đường trong bao lâu để kịp giờ họp. Vì vậy, Bác đến rất đúng giờ.
Bác làm việc suốt ngày, ngày thường cũng như Chủ Nhật. Sau mỗi bữa ăn, Người chỉ nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Những việc mà Bác đã định trong kế hoạch đều giải quyết hết.
Buổi sáng, Bác giải quyết những công văn giấy tờ hôm trước để đồng chí giao thông mang đi. Tiếp đó Bác tranh thủ đọc các tác phẩm kinh điển. Khi đồng chí giao thông về. Bác xem công văn, xem xong ngồi viết, đánh máy suy nghĩ để trả lời các nơi.
Phòng làm việc của Bác ở Việt Bắc có khi chỉ là chiếc chiếu trải xuống sàn nhà, còn những gì phải viết Bác để lên đùi. Bài viết nào dài, Bác đánh máy. Vì vậy, những bài viết dài thường có bản thảo đánh máy. Những lúc mỏi, Bác kéo võng nằm suy nghĩ rồi lại dậy đánh máy tiếp. Khi xong công việc Bác đọc báo. Báo đến nhiều, Bác lại xem rất nhanh, xem xong để ra bên cạnh, sau đó gấp lại cho người chuyển đi. Bác xem báo nhanh, nhưng rất kỹ. Những mục cần đọc, Bác không bỏ qua.
Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ Bác lại đọc sách, báo. Chủ Nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy, không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Có những Chủ Nhật có người đến thăm, hỏi tôi tại sao các cậu không đưa Bác đi chơi, chúng tôi nghĩ: Bác làm việc gì đều có chương trình, chúng tôi đâu dám tự ý mời Bác đi.

Bác Hồ đọc báo ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951
Bác không muốn ai ngồi chơi không. Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Lúc giải lao Bác đi thăm anh em. Một hôm, Bác gặp chúng tôi đang nằm chơi, Bác nói:
- Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có việc thì mang chiếc giường dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay là tăng gia. Ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu…
          Bác có nếp sống rất gọn gàng. Bác nói: Trong lúc kháng chiến, các chú phải luôn luôn gọn gàng, lúc có lệnh là đi ngay. Nghe lời Bác chúng tôi mỗi người 1 ba lô, sẵn sàng khi có lệnh là đi.
          Gọn gàng là thói quen của Bác nên phòng làm việc của Bác không bao giờ trang trí cầu kỳ; chỉ có một chiếc chiếu và một chiếc máy chữ. Bàn làm việc có một đèn dầu, một bút chì, một bút mực, một ít giấy và phong bì. Giấy tờ, sách báo sau khi đọc và dùng xong Bác đều cho mang xuống văn phòng.

Đồng chí Phạm Thị Hống Yến kể chuyện về Bác tại hội nghị
Qua cảm nhận, đồng chí Phạm Thị Hồng Yến đã nhấn mạnh bài học sâu sắc từ “MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA BÁC” là vận dụng một cách linh hoạt vào đời sống kể cả trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường. Câu chuyện về Bác vừa thể hiện sự mẫu mực, vừa là lời nhắc nhỡ phê bình nhẹ nhàng rằng chúng ta cần học Bác qua từng công việc làm cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, trong công tác, cụ thể như sau:
- Sử dụng thời gian đúng giờ;
- Chủ động lên kế hoạch làm việc và thi hành nghiêm túc theo kế hoạch, làm việc gì cũng phải có kế hoạch, có kế hoạch chúng ta sẽ chủ động trong việc thực hiện;
- Phải biết khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ;
- Tinh thần lao động, chủ động tìm việc làm, tận dụng hết mọi thời gian để làm việc;
- Trong công tác luôn thực hiện nếp sống tiết kiệm, giản dị, gọn gàng để sẵn sàng đáp ứng mọi mệnh lệnh.
- Khi thực hiện nhiệm vụ không vì quyền lợi cá nhân mà phải vì mục tiêu chung của tập thể, của cộng đồng xã hội và to hơn là của cả quốc gia, dân tộc.
 
          Đồng chí cũng nêu rõ hiện nay đâu đó vẫn còn một số ít người chưa làm việc nghiêm túc, chưa tập trung cao độ vào công việc, có biểu hiện nguy hiểm trong việc lãng phí thời gian là không tận dụng thời gian để làm việc, học tập, nâng cao trình độ, tìm tòi sáng kiến; mà ngược lại, họ bớt xén thời gian công ty, phục vụ cho những thú vui sở thích cá nhân như sa vào các trò chơi trên mạng trong giờ làm việc, bàn tán chia bè, kéo cánh phục vụ cho lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ trục lợi…Do đó, chúng ta phải biết sử dụng thời gian sao cho hiệu quả, mỗi người cần rèn luyện cho mình thói quen sống, làm việc đúng giờ, một tác phong, nếp sống công nghiệp. Việc tận dụng thời gian một cách có hiệu quả sẽ giúp chúng ta sống hữu ích, tận dụng hết mọi thời gian để làm việc để tạo ra kết quả và hiệu quả tối ưu là góp phần tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động tạo ra của cải vật chất cho bản thân, cho gia đình chúng ta, cho Công ty; cùng chung sức, chung lòng đóng góp sức lực trí tuệ xây dựng Công ty phát triển, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.
Những câu chuyện về Bác, cuộc đời Bác thật sự là một tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người dân noi theo. Có thể nói mỗi việc làm của Bác thực sự là một bài học lớn, biết bao việc mà chúng ta phải học tập, rèn luyện và noi theo như lòng yêu nước, thương dân, sự hy sinh vì độc lập dân tộc, vì Tổ quốc hay những đức tính rất gần gũi đời thường như khiêm tốn, kiên trì, cần cù, tiết kiệm, giản dị, lòng nhân ái, tinh thần lao động…Theo Bác: “ Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn hạnh phúc của chúng ta”. Lao động là hành động thiết thực, gần gũi nhất để mỗi người chúng ta thể hiện bản lĩnh và cống hiến sức mình góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy mỗi chúng ta đều phải tích cực lao động, lao động không ngừng, phát huy hết khả năng sẵn có của bản thân hết lòng vì nhân dân, phục vụ nhân dân.
Nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự bản thân mỗi người, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải tự nhìn lại mình, soi rọi bản thân để tu sửa, rèn luyện hoàn thiện bản thân. Bất cứ việc gì trên đời cũng có thể rèn luyện, có thực tập thì sẽ có kết quả, không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Mỗi chúng ta cần nêu cao trách nhiệm bản thân, tích lũy kiến thức thực tế và tăng khả năng thích ứng của bản thân đối với sự nghiệp phát triển của công ty trong tình hình hiện nay. Đạo đức Hồ Chí Minh cùng với tư tưởng và sự nghiệp của Bác mãi mãi là di sản tinh thần vô giá đối với các thế hệ người Việt Nam, mãi mãi có mặt trong hành trang của chúng ta trên con đường đi tới thắng lợi của đổi mới và Chủ nghĩa xã hội.
 
Tin, bài Hồng Yến – Ánh Minh – TĐQTuan